So với việc mở tivi lên để xem phim Việt, việc xem phim Hàn ở Việt Nam có thể được xem là một kỳ công.
Một bộ phim vừa được công chiếu trên sóng truyền hình Hàn Quốc thì chưa
đầy 12 giờ sau, khán giả ở Việt Nam đã có thể xem được một cách thoải
mái với chất lượng cao, phụ đề chính xác thậm chí là đẹp mắt và chắc
chắn là hoàn toàn miễn phí.
Để có được điều đó, nhiều nhóm bạn
trẻ yêu thích phim Hàn Quốc đã sẵn sàng thức thâu đêm suốt sáng để xem,
nghe, dịch và chia sẻ với những người cùng sở thích khác. Liệu rằng đã
có ai từng tự thắc mắc vì sao giữa cái dễ và cái khó trên nhiều người
vẫn sẵn sàng chịu cái khó.
Vì phim Hàn Quốc quá hay?Đã
qua rồi cái thời khán giả cứ gọi phim Hàn Quốc là phim “ung thư” vì
phim nào cũng quanh đi quẩn lại chỉ bấy nhiêu kiểu nút thắt. Hơn 10 năm
phát triển mạnh mẽ, ngành phim truyền hình Hàn Quốc đã có gần như đầy đủ
các thể loại từ tâm lý, tình cảm đến các dạng phim cổ trang, dã sử và
thậm chí là thể loại phim kinh dị, rùng rợn. Muôn màu muôn vẻ, các nhà
biên kịch Hàn Quốc dường như chưa bao giờ cạn đề tài, họ có thể xâu kết
những câu chuyện ứng xử giữa những người sống gần nhau trong một cộng
đồng để thành một câu chuyện hoặc đơn giản chỉ cần dựng lên một câu
chuyện hoang đường nào đó và phát triển thành một kịch bản thật sự hấp
dẫn.
The Heirs - bộ phim Hàn Quốc đang làm mưa làm gió tại Việt Nam
Cái quan trọng trong những kịch bản đó là sự hợp lý và cái thật trong
diễn biến câu chuyện dẫu cho nền tảng để phát triển những cái thật đó có
là một sự hoang đường. Những cái yêu, cái ghét của nhân vật chắc chắn
người xem đã hoặc sẽ có thể bắt gặp chính xác ở đâu đó xung quanh mình
trong cuộc sống, điều đó đã khiến bộ phim hấp dẫn người xem từ kịch bản.
Một
yếu tố khác cũng rất quan trọng của kịch bản phim thu hút người xem đó
là các nhà biên kịch đã lồng ghép rất khéo những hương vị đặc trưng của
dân tộc mình, qua đó đã tăng thêm hiệu ứng quảng bá những nét đẹp của
đất nước mình. Rõ ràng sự tận dụng những giá trị vốn có của mình đã mang
đến cho các bộ phim những thành công bất ngờ đối với khán giả là người
nước ngoài.
Bên cạnh đó, công nghệ làm phim ở Hàn Quốc cũng là
một lý do để khán giả thích thú theo dõi. Bước sang thập niên thứ hai
của thế kỷ 21, các bộ phim trình chiếu trên truyền hình Hàn Quốc đều
mang chuẩn HD (chất lượng cao - PV) khiến cho các khung hình vốn đã đẹp
lung linh nay càng thêm rõ nét, tăng cảm giác thú vị cho người xem. Bên
cạnh đó, cùng với phim ảnh, âm nhạc và nhất là nhạc phim luôn là những
điểm thu hút mạnh nhất. Những đoạn nhạc xuất hiện trong phim hoàn toàn
có thể là những tiểu đoạn được viết dành riêng cho cảm xúc của phân đoạn
đó.
Nhìn chung, có thể gói gọn công nghệ làm phim của Hàn Quốc
trong hai từ “kỹ lưỡng” từ việc xây dựng kịch bản, tuyển chọn diễn viên,
bấm máy và làm hậu kỳ. Rõ ràng đây là một thái độ tôn trọng người xem,
người thưởng thức ở mức độ rất cao và cũng rất dễ hiểu vì sao người xem
luôn hài lòng với chất lượng phim Hàn.
Hay vì phim Việt không tìm được chỗ đứng?Với
một vài nét tổng quan như trên, hẳn chúng ta cũng dễ nhìn ra những tồn
đọng trong ngành phim ảnh Việt Nam: kịch bản vừa yếu vừa thiếu, công
nghệ lạc hậu và quan trọng nhất là sự “cẩu thả”.
Phim Việt mãi không tìm được chỗ đứng vì kịch bản vừa thiếu lại vừa yếu
Kịch bản của phim Việt thường bị sa vào lối mòn, ở phía Bắc thì cứ quanh
quẩn ở gốc tre làng mạc với những mâu thuẫn giữa lợi ích riêng và lợi
chung, còn phía Nam thì không thoát khỏi những câu chuyện kinh tế, những
va chạm trong gia đình. Không chỉ thiếu cái mới, phim Việt còn tỏ ra
hời hợt trong việc mang đến người xem những câu chuyện thật trong đời
sống. Ví dụ như xây dựng một hình ảnh người quản lý, lập chiến lược của
doanh nghiệp nhưng chỉ đặc tả những chuyện tình cảm, những câu đùa hài
hước kém duyên trong văn phòng, còn khi kể đến đoạn nhân vật làm việc
thì lại được lược qua rất nhanh. Những cảnh này xảy ra nhan nhãn ở khắp
các bộ phim truyền hình đóng mác Việt.
So với Hàn Quốc, Việt Nam
có hơn 4.000 năm lịch sử với hơn 53 dân tộc trải dài từ Bắc xuống Nam
thế nhưng người Việt lại không thể tận dụng được những tư liệu quý giá
đó để đưa vào phim ảnh một cách hiệu quả. Xem phim Việt, người xem ngập
ngụa trong những giá trị xa xỉ, từ nhà cửa, quần áo, điện thoại, máy
tính, thời trang mà chẳng tìm thấy đâu ra hơi thở Việt trong đó. Thậm
chí đau đớn hơn, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng từng chỉ ra một nghịch lý
“Người trong nước thì cố gắng làm phim cho giống nước ngoài, còn người
nước ngoài thì cố làm phim sao cho giống Việt nhất”.
Ví dụ điển hình cho nghịch lý đó là trong khi phim thuần Việt cố gắng tìm những tựa phim khốc liệt như
Đồng tiền xương máu,
Chuyện tình vượt thời gian… thì một êkíp Hàn Quốc chỉ sang Việt Nam chưa được ba tháng đã đúc kết ra một cái tên
Mùi ngò gai không thể nào Việt Nam hơn được. Hay như đạo diễn Việt kiều Trần Anh Hùng từng đưa vào phim ảnh những
Mùa đu đủ xanh,
Xích lô,
Mùa hè chiều thẳng đứng.
Vì sao người Việt không thể nhìn ra và sử dụng những nét đẹp Việt đó?
Có khi nào những nhà làm phim chịu khó suy nghĩ để trả lời câu hỏi liệu
người nước ngoài khi xem những bộ phim Việt họ đang làm sẽ hiểu như thế
nào về người Việt?
Thay lời kếtĐi chậm hơn về kỹ
thuật và công nghệ không có nghĩa rằng Việt Nam sẽ không thể nào sánh
vai được với các nền giải trí trong khu vực và thế giới. Điểm mấu chốt
và quan trọng nhất là những người làm nghề phải luôn có ý thức phát
triển nghề nghiệp và mang đến những điều mới mẻ để kéo khán giả Việt trở
về với nền giải trí Việt. Những tư tưởng tự mãn và chậm tiếp thu chỉ
làm khán giả ngày càng quay lưng với phim ảnh nước nhà.
Nguồn: Đời sống & Pháp luật